
Việc xây dựng mô hình sân bóng bằng cỏ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ tại tỉnh. Không những tại khu vực thành phố mà tại các điểm xã, huyện, mô hình sân cỏ nhân tạo cũng được nhiều “dân mê bóng đá” ưa chuộng. Việc hình thành loại sân này không chỉ góp phần tạo điều kiện cho phong trào bóng đá trong tỉnh phát triển mà còn góp phần thúc đẩy phong trào xã hội hóa về thể dục thể thao địa phương phát triển theo.
Phong trào phát triển
Có mặt tại sân bóng đá cỏ nhân tạo Dừa Xanh, một trong những sân cỏ nhân tạo có mặt rất sớm tại TP. Bến Tre, không khí sôi động và náo nhiệt của khoảng hơn 30 người đang chia nhau chơi theo nhóm. Anh Trần Ngọc Tín – chủ sân cho biết: “Hằng ngày, nơi đây luôn tràn ngập không khí sôi nổi, hào hứng với các trận đấu của những cầu thủ nghiệp dư mọi lứa tuổi, thành phần. Đặc biệt vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật, các sân đều có lịch đăng ký chật kín, nếu nhóm không đăng ký hẹn giờ trước thì rất khó bố trí sân”.
Anh Phan Quốc Bình, một viên chức đang chơi bóng cùng nhóm bạn gồm 10 người đã đặt vé cố định mỗi tuần 3 buổi và tham gia rất đều đặn. Anh Bình cho biết: “Ưu điểm của sân bóng đá cỏ nhân tạo là không hạn chế thời gian chơi vì đã có hệ thống đèn cao áp chiếu sáng tạo cảm giác thoải mái giống như đang chơi ở một sân bóng chuẩn. Trước đây, chiều nào tôi cùng vài người bạn cũng lai rai vài chai bia lạnh, nhưng từ khi tham gia chơi bóng tại sân bóng đá mini, sức khỏe được cải thiện, từ đó làm việc cũng đạt hiệu quả hơn”.
Ngoài chức năng dịch vụ cho thuê, đây cũng là điểm lý tưởng để các câu lạc bộ (CLB) bóng đá ở địa phương, các đơn vị tập luyện và tổ chức các giải thi đấu giao hữu, hội thao…
Huấn luyện viên Nguyễn Hoàng Tuấn, chủ nhiệm CLB bóng đá thiếu nhi SOAS Bến Tre chọn mô hình sân cỏ nhân tạo thay vì sân bóng có trang bị cỏ tự nhiên làm nơi tập luyện. Theo anh Tuấn, sân cỏ nhân tạo chuẩn có cấu tạo êm, mát và vệ sinh hơn các sân cỏ tự nhiên hay bị bùn, đất mỗi khi sút hoặc va chạm. Phụ huynh cũng an tâm hơn khi cho con em mình tham gia chơi bóng với loại hình này.
Cũng từ những sân bóng cỏ nhân tạo này đã phát hiện không ít cầu thủ trẻ có năng khiếu, thể hiện tốt những yếu tố cần thiết của một cầu thủ bóng đá. Ví dụ chương trình “Thiếu nhi Bến Tre với ngày hội bóng đá” được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ quốc gia PVF tổ chức định kỳ hàng năm, nhiều em thuộc lứa tuổi U10 – U12 đã được tuyển chọn đào tạo năng khiếu tại PVF.
Công tác xã hội hóa mạnh
Trong lúc chủ trương xã hội hóa thể thao đang được triển khai thực hiện thì sự đầu tư sân cỏ mini nhân tạo của các cá nhân được xem là một bước phát triển mới trong việc nâng cấp cơ sở vật chất cho ngành thể thao tỉnh nhà. Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 113 sân bóng đá, trong đó sân cỏ nhân tạo có 86 sân.
Theo anh Hà Văn Phong – Chủ nhiệm CLB Minh Thiên Sơn, phường Phú Khương, TP. Bến Tre, kinh phí xây dựng sân bóng đá cỏ nhân tạo rất lớn từ 400 – 500 triệu đồng/sân theo tiêu chuẩn sân bóng đá 5 người. Nếu chất lượng dịch vụ tốt thì người đầu tư hoàn toàn có thể thu lại vốn trong vòng 2 – 3 năm. Hoạt động của CLB đến nay cũng ngót nghét gần chục năm. Người dân vẫn hay gọi đây là sân bóng đá “trung tâm 3” và là CLB có tuổi khá cao tại Bến Tre. Cả 2 sân tại CLB có trang bị lưới cao 7 – 8m và hệ thống 6 trụ đèn chiếu sáng.
Một vài chủ sân còn tâm đắc: “Đầu tư lĩnh vực khác chúng tôi không dám khẳng định thành công nhưng đầu tư sân bóng thì chắc chắn sẽ thắng bởi nhiều người yêu thích bóng đá. Trong khi đó sân bãi dành cho bóng đá cỏ tự nhiên hiện đang còn ít và khó khăn ở nhiều khâu thì sân bóng đá mini cỏ nhân tạo của chúng tôi làm ăn rất hiệu quả. Cái khó là để có mặt bằng rộng chứa từ 2 sân trở lên, kèm theo các dịch vụ như sân bãi, căn-tin, nhà vệ sinh…”.
Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó trưởng phòng Quản lý thể dục thể thao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Mô hình này tạo ra sân chơi lành mạnh, góp phần rèn luyện sức khỏe, vui chơi giải trí sau thời gian công tác, học tập, lao động, tái tạo sức sản xuất và khả năng lao động cho nhiều lực lượng trong xã hội. Đây là nhu cầu thực tế của xã hội, góp phần đáp ứng cho việc tập luyện và thi đấu của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên, học sinh, người trung niên. Trong đó có cả lực lượng cán bộ, viên chức và người lao động ở các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp đóng tại các khu dân cư. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh về sân cỏ nhân tạo đã tạo ra nguồn thu đáng kể cho chủ đầu tư và giải quyết việc làm cho một bộ phận những người làm công tác quản lý, cầu thủ, trọng tài trong việc huấn luyện, tổ chức thi đấu, trông coi sân bãi và kinh doanh thức uống”.